PHÒNG GD & ĐT THANH OAI
TRƯỜNG TH MỸ HƯNG
Số 191/QCCM-THMH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Mỹ Hưng, ngày 01 tháng 9 năm 2021 |
QUY CHẾ CHUYÊN MÔN
Năm học 2021 - 2022
- Căn cứ vào điều lệ trường Tiểu học và Luật giáo dục.
- Căn cứ Hướng dẫn số 530/KH-PGD&ĐT- TH ngày 01/9/2021 của
Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 cấp Tiểu học.
Căn cứ Kế hoạch thực hiện anhiệm vụ, năm học 2021 - 2022 của nhà trường, BGH trường Tiểu học Mỹ Hưng xây dựng quy chế chuyên môn năm học 2021 - 2022 như sau:
PHẦN I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Quy chế này quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ công tác, hội họp, học tập, báo cáo; quy định hồ sơ chuyên môn và chế độ thanh kiểm tra đối với Cán bộ - Giáo viên - Nhân viên.
- Phạm vi áp dụng trong trường Tiểu học Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
- Đối tượng thực hiện quy chế này bao gồm Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng, cán bộ thư viện, cán bộ thiết bị và các giáo viên chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, giáo viên dạy bộ môn.
PHẦN II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
A. QUY ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
I. Tổ chuyên môn
- Vị trí, chức năng của Tổ chuyên môn:
Tổ chuyên môn là đầu mối mà Ban giám hiệu nhà trường dựa vào đó để quản lý các hoạt động của tổ, cơ bản nhất là hoạt động dạy của giáo viên. Tổ chuyên môn có chức năng giúp Ban giám hiệu nhà trường điều hành các hoạt động sư phạm, trực tiếp quản lý lao động của giáo viên trong tổ.
- Nhiệm vụ của Tổ chuyên môn:
Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và các hoạt động giáo dục khác. Tham gia điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp.
Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy, giáo dục và quản lý sử dụng sách, thiết bị của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục.
Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Tiểu học và giới thiệu tổ trưởng, tổ phó.
Thực hiện tổng hợp, báo cáo kết quả giáo dục của tổ mình với BGH.
Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của các thành viên trong tổ
như chế độ soạn bài, đánh giá học sinh…(GV không soạn bài thì tổ đó chịu trách nhiệm mà đứng đầu là tổ trưởng).
II. Thư viện
Thư viện là nơi lưu trữ tài liệu tra cứu, sách giáo khoa, sách tham khảo; báo chí… để phục vụ cho việc dạy và học của CB-GV-NV và học sinh trong nhà trường.
III. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên.
Căn cứ văn bản hợp nhất số 30/VBHN-BGDĐT ngày 22 tháng 01 năm 2014 ban hành Thông tư điều lệ trường tiểu học;
Căn cứ Quy chế làm việc của trường Tiểu học Mỹ Hưng
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Hiệu trưởng chuyên môn
- Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quyết định 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
- Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá xếp loại các môn học ở Tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020 của Bộ giáo dục và Đào tạo Sửa đổi Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
- Lập kế hoạch chuyên môn, xây dựng quy chế chuyên môn, phê duyệt và kiểm tra hồ sơ của chuyên môn.
- Bố trí thời khoá biểu, sắp xếp các tiết dạy
- Tổ chức ra đề kiểm tra và kiểm tra theo từng định kì: Giữa học kỳ đối với lớp 4, 5 và cuối Học kì I; cuối Học kì II đối với các khối lớp.
- Tham gia dự giờ 4 tiết/ tháng, đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm học.
- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên môn khác trong năm học.
- Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên.
- Thường xuyên khảo sát chất lượng các lớp trong toàn trường 1 lần/ lớp/ kì.
2. Tổ trưởng
- Xây dựng kế hoạch năm học cho khối mình phụ trách, tham gia dự giờ, đánh giá xếp loại giáo viên.
- Chịu trách nhiệm điều hành công việc do chuyên môn phân công.
- Ra đề kiểm tra các kì trong năm, báo cáo các thông tin kịp thời theo kế hoạch và khi cần thiết.
- Tham gia đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm học.
- Lên kế hoạch, thực hiện kiểm tra việc thực hiện chuyên môn của các tổ viên.
- Thực hiện tổng hợp, báo cáo kết quả chất lượng giáo dục của tổ mình với BGH.
3. Cán bộ thư viện, thiết bị.
- Lập kế hoạch tham mưu cho Hiệu trưởng xây dựng thư viện chuẩn theo quy định, mua sắm thiết bị cho thư viện và đồ dùng dạy học cho giáo viên theo đề nghị của tổ chuyên môn và tự đề xuất. Thực hiện nghiệp vụ thư viện, thiết bị như nhập kho, phân loại, cho mượn, quản lí, giới thiệu sách báo, thiết bị... Sắp xếp, bố trí, trưng bày sách trong thư viện - thiết bị một cách khoa học, có tính thẩm mỹ cao, hạn chế hư hỏng, có kế hoạch bảo quản, kéo dài tuổi thọ các vật dụng đồ dùng có trong thư viện và phòng thiết bị. Ghi chép, cấp phát, thu nhận khi nhập và xuất sách - truyện - thiết bị - đồ dùng v.v...cho giáo viên và học sinh. Sưu tầm các hình ảnh, tư liệu về các di tích lịch sử trên địa bàn để giáo dục
cho học sinh.
4. Nhiệm vụ của Giáo viên:
- Giảng dạy, giáo dục đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học, soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá, học sinh, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức, tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn, chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục,
ra đề kiểm tra giữa kì, cuối mỗi kì theo quy định của Bộ GD.
- Nghiên cứu, soạn giáo án trước 01 tuần đối với soạn in trên A4. Lên lớp phải có giáo án và các loại sổ sách theo quy định.
- Các tiết dạy đều phải chuẩn bị và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học sẵn có hoặc tự làm.
- Không được bỏ tiết, đi muộn về sớm, không được tự ý đổi tiết, đổi buổi cho nhau khi chưa có sự nhất trí của Ban giám hiệu.
- Giáo viên viết chữ trên bảng lớp, phiếu học tập, trong giáo án phải đúng mẫu chữ viết quy định.
- Giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học. Quy trình đánh giá phải chính xác, công bằng, khách quan. Không chê bai, nhận xét học sinh thiếu tính hướng dẫn.
- Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn. Mỗi giáo viên tham gia hội giảng trong trường, mỗi tháng dự giờ ít nhất 03 tiết.
- Giáo viên trực tuần đi sớm từ đầu giờ truy bài kết hợp với GV TPT đội theo dõi tình hình hoạt động trong tuần và nhận xét vào đầu tuần sau điều hành nội dung văn nghệ do lớp mình phụ trách khi trực tuần.
- Giáo dục tập thể mỗi tuần 2 tiết: tiết 1 chào cờ đầu tuần do Tổng phụ trách Đội điều khiển, giáo viên có mặt dự và quản lý học sinh. 1 tiết sinh hoạt lớp cuối tuần do giáo viên tổ chức. Cách tổ chức phải sinh động, vui tươi, động viên được học sinh không kiểm điểm học sinh trong các tiết giáo dục tập thể.
- Phòng học phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng, không có mạng nhện. Tường phòng học, bàn học sinh không bị viết vẽ bậy làm bẩn, làm hỏng GVCN phải có trách nhiệm trao đổi với PH bồi hoàn đúng theo thực trạng ban đầu. Trang trí lớp đúng quy định trường Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn.
- Tham gia tích cực công tác Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở địa phương và nhà trường.
- Nắm bắt thông tin kịp thời, báo cáo chính xác, đúng thời gian quy định của chuyên môn, của trường khi có yêu cầu.
- Đảm bảo ngày công làm việc trong năm học. Lên lớp đúng giờ, đúng tiết, không tuỳ tiện tự ý đổi tiết, bỏ lớp học, bỏ tiết dạy, đi muộn về sớm, cắt xén chương trình. Thời gian mỗi tiết dạy trong khoảng 35 phút đến 40 phút.
- Giáo viên thường xuyên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ và cải tiến phương pháp giảng dạy.
- Quan tâm phụ đạo học sinh chưa hoàn thành bài học, môn học, bồi dưỡng học sinh nổi trội. Có kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh hòa nhập (đối với các lớp có học sinh khuyết tật).
- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của lớp.
- Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và cộng đồng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
- Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh giữa kì, cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về phẩm chất, năng lực trong kì nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá vào học bạ của học sinh.
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.
IV. Quy định chế độ làm việc, học tập:
Căn cứ Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Quy định thời gian làm việc:
- Thời gian làm việc là 42 tuần (35 tuần thực học, 5 tuần dành cho học tập - bồi dưỡng nâng cao trình độ, 1 tuần chuẩn bị cho năm học mới và 1 tuần chuẩn bị cho tổng kết năm học)
- Thời gian dạy trên lớp: Mỗi tiết dạy từ 35 - 40 phút, giáo viên được chủ động điều chỉnh thời gian các môn học (nhưng phải đảm bảo về kiến thức, kĩ
năng cơ bản)
- Định mức tiết dạy thực hiện theo Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT, ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
- Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, của giáo viên cùng cấp học.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần,
- Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.
- Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần
2. Quy định chế độ hội họp Sinh hoạt Khối, Tổ chuyên môn:
Thời gian: Sinh hoạt chuyên môn Tổ, khối: 2 buổi/ tháng
Vào hồi 16 giờ 50 thứ sáu tuần 2 và 4 của tháng.
Địa điểm: Tổ 1: Tại Văn phòng nhà trường.
Tổ 2 + 3: phòng lớp 4B; Tổ 4+5: phòng 4C;
Nội dung sinh hoạt: Theo hướng dẫn định hướng sinh hoạt chuyên môn
của PGD và nhà trường.
+ Nội dung sinh hoạt: Đánh giá hoạt động của 2 tuần qua và triển khai kế hoạch của 2 tuần tới. Thống nhất nội dung, phương pháp giảng dạy một số bài học, môn học trong tổ, khối theo hướng nghiên cứu bài học. Tổ chức hội thi GVG, thao giảng và rút kinh nghiệm giảng dạy trong các đợt thi đua do nhà trường phát động. Tổ chức cho các thành viên trình bày và thẩm định SKKN. Cuối buổi họp có kết luận của chủ toạ.
Họp đột xuất: Tổ chức họp đột xuất khi có công việc cần thiết.
3. Chế độ dự giờ, thao giảng, làm đồ dùng, viết sáng kiến kinh nghiệm:
- Dự giờ 3 tiết/tháng/giáo viên.
- Thao giảng 1tiết/kì/ giáo viên.
- Tham gia dự thi GVG cấp trường 1 lần/ năm.
- Sử dụng ĐDDH sẵn có và làm thêm ĐDDH phục vụ tiết dạy đạt hiệu quả.
- 100% CB, GV, NV tham gia viết Sáng kiến kinh nghiệm cuối năm học.
4. Công tác nhận xét đánh giá học sinh:
Thực hiện đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 28/8/2016 của Bộ GD&ĐT đối với học sinh khối 3, 4,5 và Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 20/10/2020 của Bộ GD&ĐT đối với học sinh lớp 1,2.
* Lưu ý: Khi nào có sự điều chỉnh đánh giá xếp loại học sinh Tiểu học theo hướng dẫn mới thì nhà trường sẽ thông báo lại cho giáo viên.
5. Thực hiện công tác dạy và học:
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quyết định 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thực dạy 35 tuần, trong đó học kỳ I là 18 tuần tính từ ngày 6/9/2021, học kỳ II là 17 tuần, kết thúc năm học trước ngày 31/05/2022.
Hình thức giảng dạy trực tiếp hay giảng dạy trên Zoom theo sự hướng dẫn của Sở GD và PGD tại các thời điểm trong năm học.
Thời khoá biểu: Thực hiện theo thời khoá biểu của nhà trường qui định.
* Tiết HDH:
Các tiết hướng dẫn học yêu cầu các đồng chí khối trưởng nghiên cứu vở luyện toán, luyện Tiếng Việt lên chương trình theo lịch báo giảng chung của khối.
* Tiết HĐTT: Tổ chức trò chơi để củng cố kiến thức trong ngày, tuần, tháng. Tháng nào có ngày kỉ niệm lớn như 20/11, 22/12, 8/3, 26/3. Tổ chức cho học sinh sinh hoạt văn nghệ, thể thao theo chủ đề hoặc tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về những ngày lễ đó. Một số tuần dạy theo chuyên đề bộ tài liệu Thanh lịch văn minh cho học sinh Thủ đô và một số chuyên đề khác.
Giúp học sinh cảm thấy sự gần gũi của các hoạt động quanh ta để tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.
* Tổ chức HĐNGLL:
Giáo viên tổ chức các hoạt động cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm.
Tổ chức theo lớp, khối lớp hoặc toàn trường.
6. Công tác tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên:
Có ít nhất 1 nội dung tự học về đơn vị kiến thức mà mình cho là cần thiết (Định lượng khoảng 13 tiết / tháng.
- Tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, 3.
7. Bồi dưỡng HS giỏi, Phụ đạo HS yếu, công tác VSCĐ:
Mỗi bài giảng phải có nội dung kiến thức nâng cao để bồi dưỡng học sinh giỏi.
Khuyến khích tượng học sinh khá giỏi về nhà làm bài nâng cao.
Hàng tháng cập nhật kết quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu ở sổ ghi chép cá nhân để theo dõi.
Khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi Đấu trường Toán học, Toán, Tiếng anh, Trạng nguyên Tiếng Việt qua mạng Internet. Lấy thêm vốn kiến thứccho bản thân và tham gia Giao lưu Rung chuông vàng cấp huyện.
VSCĐ: chú trọng đến công tác rèn luyện chữ viết cho học sinh, viết đúng, đẹp, biết cách trình bày bài vở khoa học. Chỉ tiêu loại A: 70% Loại B: 25%. Loại C: 5%. Tăng số lượng học sinh đạt giải cao trong cuộc thi giao lưu viết chữ đẹp.
Thường xuyên theo dõi, giúp đỡ học sinh yếu học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các tiết học.
Thường xuyên trao đổi kết hợp và tư vấn cùng cha mẹ học sinh giúp đỡ học sinh yếu để các em không bị bỏ lại phía sau.
8. Chế độ báo cáo:
Báo cáo hàng tháng, đầu năm, giữa học kì, cuối kì và các báo cáo khác khi cần có yêu cầu. Báo cáo phải chính xác tuyệt đối, đúng biểu mẫu và nộp đúng thời gian quy định.
V. Quy định về HSSS:
Thực hiện theo quy định của Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Thanh Oai, về việc Hướng dẫn các loại hồ sơ quản lý chuyên môn cấp Tiểu học đối với giáo viên. Các loại hồ sơ phải có bìa, ghi đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định.
1. Hồ sơ giáo viên gồm:
1. Giáo án
2. Lịch báo giảng
3. Sổ dự giờ
4. Sổ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
5. Kế hoạch cá nhân.
6. Sổ công tác.
Nội dung GA
Yêu cầu phải đồng nhất 1 loại phông chữ, cỡ chữ 14 và độ dãn dòng đơn, ghi Tuần thứ ...vào tiết đầu tiên của tuần. Ghi rõ ngày tháng, năm vào tiết đầu tiên trong ngày, Ghi thứ tự tiết dạy theo lịch báo giảng và thứ tự tiết dạy theo phân phối chương trình.
Giáo án chia làm 4 cột.
2. Đối với học sinh.
* Quy định về sách giáo khoa và vở viết của HS
* Giáo viên chủ nhiệm phải phổ biến tới PHHS và kiểm tra học sinh yêu
cầu 100% học sinh phải có đủ sách giáo khoa, vở bài tập để học tập .
- Vở viết: Theo Công văn hướng dẫn của sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2009 - 2010 như sau:
* Khối 1, 2, 3 có 4 vở ô li.
- Toán
- Chính tả
- Tiếng Việt: Ghi kể chuyện, tập đọc Luyện từ và câu, Tập làm văn.
- Vở Ghi đầu bài: Dùng để ghi các phân môn còn lại.
Riêng lớp 1: Vở chính tả dùng để viết chữ trong phần học vần và dùng để viết Chính tả trong phần Luyện tập tổng hợp.
- Vở Ghi đầu bài, vở Tiếng Việt từ tuần 16.
* Khối 4, 5 có 6 vở ô li.
Có 4 vở ghi như Khối 1, 2, 3, thêm 2 vở sau:
- Vở làm bài Tập làm văn.
- Vở Khoa học, lịch sử và địa lí.
* Quy định về cách giữ và trình bày vở HS.
Cách giữ vở.
- Vở viết không bỏ giấy trắng, không xé vở, không viết, vẽ những nội dung không có trong bài học, vở không quăn mép, có bìa bọc hoặc bọc giấy bằng nilon, có nhãn vở ghi đầy đủ thông tin trên nhãn vở.
Cách trình bày vở.
* Vở ghi đầu bài và vở Tiếng Việt, Khoa, Sử, Địa.
Ngoài lề vở của thứ 2 đầu tuần phải ghi tuần.
- Cách lề một ô ghi Thứ
- Cách lề 4 ô ghi tên môn, hoặc phân môn học.
- Tên bài: có tên bài ngắn, tên bài dài nên GV cần hướng dẫn học sinh ghi cách lề sao cho cân đối.
- Hết 1 tiết học sinh kẻ ngắn cách đều mỗi bên 4 ô.
- Hết ngày kẻ dài bớt mỗi bên 1 ô.
- Hết tuần kẻ hết qua cả lề.
* Vở Toán
+ Bài toán tính:
- Tên các bài 1, 2,3 viết cách lề 1ô.
- Các ý a, b, c ghi sát lề.
+ Bài toán có lời văn:
- Tóm tắt: ghi cách lề 5 ô
- Dòng tiếp theo ghi cách lề 4 ô
- Bằng sơ đồ đoạn thẳng, từ để thể hiện sơ đồ ghi sát lề cách một ô vễ sơ đồ.
- Bài giải ghi cách lề 5 ô.
- Lời giải cách lề 3 ô, phép tính cách lề 4 hặc 5 ô tuỳ theo tên đơn vị dài hay ngắn.
- Đối với lớp 4 + 5: Tuỳ theo nội dung của bài toán GV hướng dẫn HS trình bày sao cho phù hợp, phép tính lùi và 2 ô so với câu trả lời.
* Vở Tập làm văn đối với lớp 2,3:
Đối với lớp 2: Học kì 1 trả lời câu hỏi thì trình bày theo đúng cách trả lời câu hỏi.
Học kì 2 và lớp 3: bài viết thể hiện rõ 3 phần mỗi phần lùi vào 1 ô: Câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
* Vở Tập làm văn đối với lớp 4, 5:
- Thứ cách lề 1 ô.
- Môn cách lề 4 ô.
- Đề bài cách lề 1 ô.
Phần Bài làm ghi cách lề 7 ô. Để lề phụ cách lề 3 ô ghi Sửa lỗi. Yêu cầu giáo viên sửa cho học sinh về lỗi chính tả, lỗi về câu, cách diễn đạt…..
Bài viết thể hiện rõ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài mỗi phần lùi vào 1 ô:
* Đối với vở tập viết lớp 1, 2, 3 và vở chính tả lớp 4, 5
GV hướng dẫn HS viết sạch, đẹp đúng mẫu , cỡ.
Thống nhất quy định viết bằng 1 loại mực màu đen.
3. Quy định về chấm điểm các môn học.
Các môn học chấm 50% số bài học. Riêng phân môn Tập làm văn chấm 100%. Có nhận xét, sửa sai cụ thể.
4. Sử dụng vở bài tập:
Vở Bài tập Toán, Bài tập Tiếng Việt..... sử dụng vào tiết HDH và tiết luyện buổi 2.
Số tiết tối đa: Buổi sáng: Không quá 4 tiết.
Buổi chiều: Không quá 3 tiết. Tổng số tiết 35 / tuần:
Yêu cầu học sinh chuẩn bị đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập trước khi đến lớp. Trong lớp chú ý nghe thầy cô giảng bài và hướng dẫn phương pháp học tập. Thực hiện tốt các nội quy, quy định của nhà trường và Liên đội.
Chào hỏi lễ phép ông, bà, cha, mẹ người lớn tuổi, thầy cô và khi có khách đến trường.
Thuộc và thực hiện tốt 5 dứt điểm, 6 nội quy và 10 điều văn minh trong giao tiếp.
Giờ Đọc sách tại thư viện, giờ Tin học, giờ Thể dục HS xếp thành 2 hàng đi lại nhẹ nhàng không gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến các lớp khác. Yêu cầu học sinh để dép ở ngoài cửa gọn gàng, ngăn nắp. Vào phòng đọc lựa chọn sách ngồi đúng tư thế không gây ồn ào mất trật tự, cuối buổi ghi chép nội dung gửi lại cán bộ thư viện làm minh chứng.
Giờ thể dục yêu cầu GV phải sử dụng âm thanh trong tiết dạy, trang phục của giáo viên phải đúng phong cách thể thao theo quy định.
Trên đây là quy chế chuyên môn của năm học 2021 - 2022. Đề nghị các đồng chí tổ, khối trưởng chuyên môn nghiêm túc chỉ đạo giáo viên nghiên cứu xây dựng kế hoạch để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra.
Nơi nhận:
- BGH (theo dõi);
- Các tổ CM (thực hiện);
- Lưu: VT, CM.
|
P Hiệu trưởng PTCM
Trịnh Thị Thu Hà
|